Chỉ với một tấm vé máy đi Trung Quốc giá rẻ ngay hôm nay khi liên hệ tới Đại lý China Southern Airlines là bạn có thể khám phá đất nước Trung Quốc rộng lớn, giàu truyền thống.
Tìm hiểu Tết Đoan Ngọ của người Trung Quốc. Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là tết Đoan Dương diễn ra vào ngày mùng năm tháng năm âm lịch. Đây là một trong những ngày tết truyền thống quan trọng của người Trung Quốc, được Nhà nước Trung Quốc quy định là ngày nghỉ lễ. Ngày tết Đoan Ngọ có nguồn gốc lâu đời, được cho là để tưởng nhớ nhà thơ yêu nước Khuất Nguyên.
Nguồn gốc của tết Đoan Ngọ theo quan điểm phổ biến nhất là tưởng niệm nhà thơ Khuất Nguyên. Ông là thi sĩ, trung thần ở nước Sở thời Chiến Quốc. Ông tính khí cương trực, thường hay can gián nhà vua, nên bị nịnh thần gièm pha, sau phải đi đày. Trên đường đi đày, nghe tin nước Sở mất, ông trẫm mình xuống sông Mịch La.
Người dân thương tiếc, thường tổ chức tưởng niệm vào ngày ông tự vẫn, chính là mùng năm tháng năm âm lịch. Thuyết này xuất hiện sớm nhất là từ thời Nam Bắc Triều, có ghi chép “Tục Tề Hài Kí” của Ngô Quân nước Lương (nam triều), và “Kinh Sở Tuế Thời Kí” của Tông Lẫm. Tương truyền, sau khi nghe tin Khuất Nguyên nhảy xuống sông Mịch La, rất nhiều người dân lập tức tổ chức đội thuyền chèo ra sông Mịch La để cứu ông, đoàn thuyền đi mãi đến tận hồ Động Đình mà không tìm thấy thi thể của ông. Sau này mỗi năm người dân đều tổ chức đua thuyền rồng, chính là bắt nguồn từ việc này. Lại truyền rằng, người dân sợ cá dưới sông ăn mất thi thể Khuất Nguyên, bèn mang cơm nắm thả xuống nước cho cá ăn, mong cá không rỉa thi thể ông. Từ đó có tục làm bánh chưng nhân ngày Đoan Ngọ.
Ngoài ra, Tông Lẫm trong “Kinh Sở Tuế Thời Kí” lại cho rằng, tục đua thuyền rồng và ăn bánh chưng bắt nguồn từ việc người dân vùng đó đón tiếp Ngũ Tử Tư, chứ không liên quan đến Khuất Nguyên. Cũng có người cho rằng ngày này để tưởng nhớ người con gái hiếu thuận Tào Nga (cha Tào Nga rơi xuống sống chết chìm, Tào Nga ngồi trên bờ khóc, đến ngày mùng năm tháng năm âm lịch thì nhảy xuống sông tự tận).
Các học giả Việt Nam không cho rằng tết Đoan Ngọ vốn bắt nguồn từ việc tưởng nhớ Khuất Nguyên, mà phải có nguồn gốc sớm hơn. “Đoan Ngọ” vốn là “Đoan Ngũ”, tức là bắt đầu tháng Năm. Thời gian này đã bắt đầu vào giai đoạn giữa hè, thời tiết nóng nực, sâu bọ sinh sôi nhiều, nên người Việt Nam có phong tục ăn rượu nếp giết sâu bọ. Lại là thời kì cây ra trái, nên có phong tục ăn hoa quả. Học giả Lưu Đức Khiêm (Trung Quốc) cũng đặt giả thiết rằng tết Đoan Ngọ vốn là kỉ niệm ngày Hạ Chí, nên có nhiều phong tục không liên quan gì đến Khuất Nguyên, mà lại có nhiều phong tục thời xưa quy về phong tục Hạ Chí.